 |
|
 |
 |
|
 |
|
Khách online: 172 |
Lượt khách: 3,515,125
|
|
|
 |
|
 |
|
|
|
Thủ tục đăng công báo |
Quy trình này nhằm quy định thống nhất trình tự đăng Công báo đối với văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ. |
1. Mục đích
Quy trình này nhằm quy định thống nhất trình tự đăng Công báo đối với văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ.
2. Phạm vi áp dụng
Quy trình được áp dụng đối với việc đăng Công báo đối với văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ.
3. Văn bản liên quan
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996 và sửa đổi năm 2002.
- Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27/12//2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Thông tư số 04/2005/TT-VPCP ngày 21/3/2003 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Chữ viết tắt
- CB: Công báo
- VBQPPL: văn bản quy phạm pháp luật
5. Nội dung quy trình
5.1. Sơ đồ Quy trình thủ tục đăng Công báo:
Bước 1. Trình Bộ ký ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành Bộ Tài chính
a) Đơn vị chủ trì soạn thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính thực hiện rà soát lần cuối trước khi trình Bộ ký ban hành;
b) Chuyên viên được phân công chủ trì (chuyên viên thụ lý) tổng hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện trình Bộ.
Bước 2. Lấy và vào số văn bản
a) Văn thư Vụ hoặc chuyên viên thụ lý xin số tại Văn thư Bộ;
b) Văn thư Bộ vào số, ký hiệu của văn bản và yêu cầu gửi file văn bản qua ổ dữ liệu;
Bước 3. Gửi văn bản theo yêu cầu của Văn thư Bộ để đăng Website Bộ, Website CP, cơ quan Công báo
a) Văn thư Bộ phối hợp với Cục Tin học chịu trách nhiệm việc gửi văn bản đăng trang điện tử của Bộ, gửi website Chính phủ và Công báo.
b) Sao gửi tài liệu để gửi đến các cơ quan đề tại Nơi nhận của VBQPPL
c) Thủ tục gửi đăng Công báo đối với đơn vị chủ trì soạn thảo:
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành văn bản, phải gửi văn bản ban hành đến cơ quan Công báo để kịp thời đăng Công báo.
- Gửi 02 bản chính cùng bản ghi điện tử có chứ nội dung chính xác đến cơ quan đăng Công báo
- Văn bản gửi đăng Công báo phải đảm bảo đúng và đủ các yếu tố:
+ Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm của VBQPPL phải ghi đầy đủ và đúng với quy định tại Điều 5 Nghị định số 161/CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành VBQPPL.
+ Các VBQPPL đều phải ghi rõ tại điều khoản quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản là: “văn bản này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo”.
Trường hợp cần quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật muộn hơn sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, thì thời điểm đó phải sau ít nhất 30 ngày kể từ ngày ký ban hành văn bản.
Ví dụ: Thông tư... của Bộ Tài chính, ký ban hành ngày 01 tháng 01 năm 2005, nếu cần quy định thời điểm có hiệu lực của Thông tư muộn hơn sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thì thời điểm đó không được quy định trước ngày 01 tháng 02 năm 2005.
- Khi gửi bản chính các văn bản đến cơ quan Công báo qua đường công văn để đăng Công báo, cơ quan ban hành văn bản phải ghi dòng chữ “Văn bản gửi đăng Công báo” ở phần trên trang đầu của văn bản. Bản ghi điện tử có thể được gửi đến cơ quan Công báo thông qua các phương tiện mang tin (mạng tin học diện rộng của Chính phủ, mạng Internet hoặc các phương tiện mang tin khác).
Bước 4. Vào Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo
a) Căn cứ vào ngày nhận được văn bản gửi đến, Cơ quan công báo phải đăng ký vào “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo”, trong đó ghi rõ:
- Số thứ tự;
- Số, ký hiệu của văn bản;
- Tên loại và trích yếu nội dung văn bản;
- Tên cơ quan ban hành văn bản;
- Ngày, tháng, năm ban hành văn bản;
- Ngày, tháng, năm nhận được văn bản.
b) Đối với các văn bản có sai sót, do phải chờ cơ quan ban hành văn bản chỉnh sửa hoặc đính chính, thì thời gian nhận văn bản được tính từ khi cơ quan Công báo nhận được văn bản có sai sót đã được đính chính và đủ điều kiện đăng Công báo.
Bước 5. Rà soát lại lần cuối văn bản
a) Văn bản do các cơ quan ban hành văn bản gửi đến cơ quan Công báo để đăng Công báo được đăng ký vào “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo”. Sau khi đăng ký xong, văn bản được chuyển sang bộ phận Tổng hợp - nghiệp vụ để kiểm tra văn bản.
b) Khi nhận được văn bản, bộ phận Tổng hợp - nghiệp vụ có trách nhiệm rà soát lại lần cuối văn bản.
Trường hợp phát hiện văn bản có sai sót, bộ phận Tổng hợp - nghiệp vụ có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo cơ quan Công báo. Lãnh đạo cơ quan Công báo ký thông báo bằng văn bản gửi cơ quan ban hành văn bản để chỉnh sửa lại trước khi đăng Công báo. Việc đăng Công báo chậm đối với các văn bản có sai sót này do cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm.
Trường hợp không thống nhất được với cơ quan ban hành văn bản, lãnh đạo cơ quan Công báo đề xuất và trình phương án xử lý với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để Bộ trưởng, Chủ nhiệm quyết định theo thẩm quyền.
Bước 6. Biên tập Công báo
a) Sau khi kiểm tra, nếu không còn sai sót, văn bản được chuyển sang bộ phận Biên tập.
Khi nhận được văn bản, bộ phận Biên tập có trách nhiệm tập hợp văn bản, bản ghi điện tử của các văn bản để biên tập, sắp xếp nội dung, thiết kế kỹ thuật cho từng số Công báo, bảo đảm tất cả văn bản cần đăng Công báo phải được đăng trong thời hạn không quá 13 (mười ba) ngày kể từ ngày nhận được văn bản.
Việc biên tập văn bản đăng Công báo phải bảo đảm chính xác với nội dung, câu chữ của văn bản chính do cơ quan ban hành văn bản gửi đến. Trong quá trình biên tập, bộ phận biên tập được phép lược bỏ phần độ khẩn (nếu có) và nơi nhận trong thể thức của văn bản.
d) Đối với văn bản đăng lại trên Công báo nguyên văn VBQPPL đã có hiệu lực cùng với văn bản sửa đổi, bổ sung các VBQPPL đó để việc áp dụng pháp luật được thuận lợi. Trường hợp này, cơ quan Công báo phải ghi chú thích vào phần sau tên của văn bản dòng chữ: “Đăng lại văn bản đã đăng trên Công báo số…. ngày…. tháng….năm”.
đ) Sau khi đã biên tập để đăng Công báo, người phụ trách biên tập ký duyệt và chuyển bản thảo cùng bản ghi điện tử sang bộ phận làm chế bản.
Sau khi nhận được bản in thử, người phụ trách biên tập phân công cán bộ biên tập đọc soát bản in thử để bảo đảm bản in thử chính xác với nội dung và câu chữ của văn bản chính. Trường hợp phát hiện có lỗi trong bản in thử, cán bộ biên tập phải thông báo cho bộ phận làm chế bản biết để sửa. Cán bộ biên tập được giao nhiệm vụ đọc soát phải bảo đảm bản in thử cuối cùng không còn lỗi và người phụ trách biên tập ký chịu trách nhiệm trước khi chuyển in chính thức
Bước 7. Đăng công báo theo trình tự vào Sổ đăng ký
a) Căn cứ theo thứ tự đăng ký văn bản tại “Sổ đăng ký và đối chiếu văn bản đăng Công báo”, việc sắp xếp nội dung văn bản để đăng trên từng số Công báo tuân thủ theo trình tự: văn bản đến trước đăng trước, văn bản đến sau đăng sau theo số thứ tự văn bản đến.
b) Đối với trường hợp đặc biệt, VBQPPL cần phải đăng Công báo sớm hơn so với trình tự trên, cơ quan ban hành văn bản có công văn gửi cơ quan Công báo đề nghị đăng sớm văn bản đó. Cơ quan Công báo xem xét việc đăng Công báo văn bản trên theo thẩm quyền hoặc trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định.
Bước 8. Vào sổ văn bản đã đăng Công báo
Văn bản sau khi đã in trên Công báo phải được đăng ký tiếp, gồm các nội dung sau:
- Số của Công báo đăng văn bản;
- Ngày, tháng, năm đăng văn bản trên Công báo;
- Ngày, tháng, năm có hiệu lực của văn bản;
- Ghi chú.
Bước 9. Văn bản có hiệu lực
a) Cơ quan Công báo trực tiếp phát hành Công báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoặc thông qua các đại lý, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh phát hành sách, báo trong toàn quốc.
b) Văn bản đăng trên Công báo sẽ có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng.
|
 |
(Nguồn: moj.gov.vn) |
|
|
|
|
|
|