Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và các kỹ năng nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý cũng là phương tiện hiệu quả để phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về các lĩnh vực pháp luật đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, đến người thực hiện trợ giúp pháp lý. |
Theo Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định: “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật”. Có thể khẳng định, hoạt động trợ giúp pháp lý có mối quan hệ mật thiết với hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ... người thực hiện trợ giúp pháp lý cung cấp các thông tin pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm.
Với hình thức trợ giúp pháp lý là tư vấn pháp luật: Đây là hình thức trợ giúp pháp lý phổ biến và được thực hiện thường xuyên trong các tổ chức trợ giúp pháp lý. Các “Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý” (Điều 28 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006). Tư vấn pháp luật có thể được thực hiện trực tiếp tại trụ sở, thông qua điện thoại hoặc trả lời bằng văn bản; tư vấn thông qua trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn cùng với các đợt sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, kết hợp với hình thức trợ giúp pháp lý lưu động, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giới thiệu các văn bản pháp luật mới cũng như các lĩnh vực pháp luật đang được người dân tại địa phương đó quan tâm. Trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật, thông qua việc lắng nghe, trao đổi với người được trợ giúp pháp lý để tìm hiểu những thông tin chính xác về vụ việc, hiểu rõ những vướng mắc pháp luật cần giải quyết, trên cơ sở đó người thực hiện trợ giúp pháp lý tiến hành giải đáp pháp luật bằng cách phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc, từ đó đưa ra các phương án, những lời tư vấn về những vấn đề pháp luật có liên quan và hướng dẫn đối tượng lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật. Qua đó, giúp cho người yêu cầu tư vấn pháp luật nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật để họ thực hiện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong phạm vi luật pháp quy định.
Bên cạnh việc tư vấn pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý (trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên) còn tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Trong quá trình tham gia tố tụng, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý đồng thời thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, người đại diện hợp pháp của họ, những người có liên quan và những người tham dự phiên tòa bằng việc hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên sẽ đại diện trong phạm vi yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên có trách nhiệm liên hệ, làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhằm giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi với người được trợ giúp pháp lý để thực hiện việc đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý đồng thời thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ việc liên quan, các trình tự, thủ tục cần thiết để làm việc với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc...
Thông qua các hình thức trợ giúp pháp lý khác, như hoà giải: Khi được sự đồng ý của một hoặc các bên, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có thể cử người thực hiện trợ giúp pháp lý làm trung gian để phân tích các tình tiết của sự việc, giải thích quy định của pháp luật, hướng dẫn để các bên tự thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc và tự nguyện chấp hành kết quả giải quyết vụ việc. Việc hoà giải cũng được tiến hành trong trường hợp cần thiết để giữ gìn đoàn kết cộng đồng, duy trì trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, trừ trường hợp pháp luật quy định không được hoà giải.
Với các hoạt động truyền thông trong công tác trợ giúp pháp lý như Bảng thông tin trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ rơi, tờ gấp pháp luật … các thông tin về Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý, nội dung pháp luật về các lĩnh vực pháp luật cũng từng bước được tuyên truyền, phổ biến đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân có nhu cầu trợ giúp pháp lý có điều kiện tiếp cận và khai thác.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và các kỹ năng nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý cũng là phương tiện hiệu quả để phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về các lĩnh vực pháp luật đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, đến người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Kể từ ngày được thành lập và đi vào hoạt động, đặc biệt là từ ngày Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp các ngành, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Giang đã và đang dần được kiện toàn, từng bước đưa hoạt động trợ giúp pháp lý đi vào nề nếp, mang tính chuyên nghiệp và là một phương tiện hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến nhân dân trong tỉnh. Từ năm 2007 đến 30/11/2011, Trung tâm đã tổ chức 503 đợt TGPL lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn 10 huyện, thành phố, trong đó có 275 đợt lồng ghép tuyên truyền phổ biến 91 chuyên đề pháp luật (các chuyên đề như: Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu HĐND các cấp, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Nuôi con nuôi, Luật Khiếu nại tố cáo, pháp luật về thừa kế, Luật Người cao tuổi … ) với 18.509 lượt người tham dự; thụ lý và giải quyết 5499 vụ việc cho 5499 lượt người có nhu cầu. Trong đó, số vụ việc tư vấn tại trụ sở là 1197; số vụ việc tư vấn tại các đợt TGPL lưu động là 3873; số vụ việc đại diện, bào chữa là 429 (trong đó, số vụ việc đại diện: 69, số vụ việc bào chữa: 360 vụ việc); tổ chức 13 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1352 người là cán bộ, viên chức, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL, ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ trại tạm giam, nhà tạm giữ; cung cấp, bổ sung, thay thế 389 pano thông tin về hoạt động TGPL, 45 hộp tin TGPL; biên soạn, in và cấp phát khoảng 212.079 tờ gấp pháp luật cùng hàng chục đầu sách pháp luật cho các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, các Câu lạc bộ TGPL để cán bộ, nhân dân thuận lợi trong việc tiếp cận và khai thác.
Với những kết quả đã đạt được, có thể thấy hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, qua công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, không những thế, qua công tác trợ giúp pháp lý đã giúp cho các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân từ cơ sở, nhất là những nguyện vọng chính đáng của người nghèo và đối tượng chính sách, từ đó, Nhà nước sẽ có những chủ trương, quyết sách đúng đắn trong việc thực hiện các chức năng xã hội của mình. Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý còn tồn tại một số khó khăn nhất định, đã làm giảm mức độ những hiệu quả mà hoạt động trợ giúp pháp lý mang lại, như: một số địa phương còn chưa thật sự quan tâm phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để thực hiện trợ giúp pháp lý có hiệu quả; đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác trợ giúp pháp lý còn thiếu và hạn chế về kinh nghiệm công tác; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, kinh phí bố trí cho hoạt động trợ giúp pháp lý còn nhiều khó khăn …
Từ những kết quả đã được ghi nhận cũng như một số khó khăn còn tồn tại; để hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, phát huy được vai trò, ý nghĩa của trợ giúp pháp lý trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, phải có sự lãnh đạo, quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự tham gia phối hợp của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân; cần đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, đoàn thể các cấp và nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, trợ giúp viên pháp lý. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ….
Với những kết quả đã và đang đạt được, tin rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, công tác trợ giúp pháp lý sẽ ngày càng mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần vào thành tích chung của hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận công lý của người dân, đảm bảo công bằng xã hội. |
 |
(Nguồn: tgpl.gov.vn) |
|
|