M. Hardin, Đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, làm việc trong Cơ quan
Điều tra An ninh Nội địa (HIS) đã 6 năm. Nhiệm vụ chính của ông là thực
hiện điều tra hình sự những vấn đề liên quan đến di trú và hải quan.
Trong các biện pháp nghiệp vụ mà các đặc vụ của HIS áp dụng, có cả việc
thực hiện những hành vi bị coi là trái pháp luật, nhưng với mục đích đưa
những kẻ phạm tội ra ánh sáng.
Trong quá trình điều tra những
băng đảng buôn bán chất gây nghiện ở Seattle, HIS đã "cấy" được một đặc
vụ có khả năng nói tiếng Việt thành thạo. Đặc vụ có mật danh "UC" này
được HIS tuyển dụng từ tháng 5/2005.
Ngày 3/12012, đặc vụ "UC"
nhận nguồn tin từ cơ sở báo Nguyễn Văn Long (từng có tiền án về điều
hành một đường dây ma túy và rửa tiền lên tới hàng triệu USD) đang tìm
kiếm một sát thủ để thực hiện việc giết người ở Việt Nam.
Đặc vụ
"UC" cũng chính là một trong những "cơ sở" đã tham dự vào quá trình điều
tra về buôn bán cần sa trước đây của Long. Nguồn tin cơ sở của "UC" cho
biết, sau khi được phóng thích năm 2010, "cơ sở" này thường xuyên tiếp
xúc với Long và đã nhiều lần cùng Long tới Tacoma để gửi tiền cho cháu
của Long ở Việt Nam. Số tiền này mỗi lần gửi khoảng từ 5.000 đến 21.000
USD.
Long gửi tiền về cho cháu để người này gửi vào ngân hàng, đề
phòng trường hợp có thể bị bắt giữ lần nữa. Long cho phép người cháu
được hưởng số lãi từ tiền gửi, nhưng không được phép động vào số tiền
trên. Long đã giao tổng cộng khoảng 100.000 USD.
Đầu năm 2012,
Long phàn nàn với "cơ sở" rằng người cháu của mình đã tiêu vào số tiền
gửi và Long muốn sát hại người cháu. Cả một quá trình sau đó, Long tiếp
tục thổ lộ rằng muốn giết một số người khác ở Việt Nam, đang tìm cách
thuê sát thủ.
Nhận được thông tin này, đặc vụ "UC" đã chỉ đạo "cơ
sở" thông báo với Long về quá trình tìm kiếm kẻ giết thuê và "cơ sở" đã
tìm được người, chính là "UC" thủ vai.
Điều khiến các đặc vụ của
HIS cảm thấy lo lắng và quyết định đẩy nhanh việc tiếp xúc bắt nguồn từ
một thông tin khá nguy hiểm. Ngày 2/3/2012,"cơ sở" báo lại rằng Long
phàn nàn đã chi cho một nhóm sát thủ 100 triệu đồng để "săn sóc" ai đó ở
Việt Nam, nhưng nhóm sát thủ này đã lấy tiền mà không ra tay. Long cũng
phàn nàn rằng nỗ lực thuê một sát thủ khác cũng không thành công, vì
người môi giới đòi hỏi phí hoa hồng mới giới thiệu sát thủ.
Ngày
2/3/2012, đặc vụ "UC" nhận cuộc điện thoại người gọi tự giới thiệu là
Long, nói chuyện bằng tiếng Việt. "UC" nhận ra giọng của Long, chất
giọng đã quá quen thuộc khi "UC" thực hiện các cuộc điều tra về buôn lậu
cần sa trước đây.
"Tao muốn nó kết thúc, không phải là đau hoặc
bị thương", Long nhấn mạnh. Đặc vụ "UC" hỏi lại liệu Long muốn mục đích
của việc ám sát là "cho đi ngủ với cá", đề cập đến việc giết mục tiêu.
"Giết chết nó", Long trả lời. Long cũng cho biết không những có cả ảnh
và địa chỉ của nạn nhân, mà có cả người chỉ điểm để dẫn sát thủ tới nhà
nạn nhân để nhận diện.
"UC" hỏi Long muốn làm gì với các thi thể
của nạn nhân. Long nhấn mạnh xác nạn nhân phải được tìm thấy, hoặc vụ
sát hại phải "xuất hiện trên mặt báo". Đặc vụ "UC" thông báo với Long
giá cả cho mỗi phi vụ giết người không tìm thấy xác là 6.000 USD. Nếu
muốn nạn nhân bị giết mà xác vẫn có thể tìm thấy, hoặc nạn nhân bị sát
hại nơi công cộng, giá là 7.000 USD. Kết thúc buổi nói chuyện, Long đồng
ý với giá 5.500 USD cho mỗi phi vụ.
Long đồng thời cũng gợi ý
rằng người của Long ở Việt Nam sẽ dẫn các sát thủ tới nhà các nạn nhân.
Đặc vụ "UC" một lần nữa yêu cầu Long cung cấp ảnh và địa chỉ của nạn
nhân, đồng thời cho biết đồng bọn của mình không muốn gặp gỡ người của
Long. Long khẳng định "để tao lựa chọn một mục tiêu" và giải thích rằng
sát thủ sẽ mất nhiều thời gian để xác định mục tiêu vì nạn nhân không ra
khỏi nhà.
Long cũng gợi ý cho "UC" rằng các sát thủ có thể thuê
nhà gần nhà nạn nhân để quan sát, và đồng ý cung cấp ảnh nạn nhân. Kết
thúc cuộc nói chuyện đầu tiên, Long khẳng định sẽ có những phi vụ khác
dành cho “UC” trong tương lai.
Lời chứng của đặc vụ M. Hardin - Bộ Điều tra An ninh Nội địa Mỹ.
Ngày
11/4/2012, trong cuộc tiếp xúc lần thứ 2, Long khẳng định có 2 mục tiêu
cho "UC". Mục tiêu thứ nhất, Long không có ảnh hoặc địa chỉ. Mục tiêu
thứ 2, Long chỉ có địa chỉ thôi. Long khẳng định nạn nhân thứ 2 sống ở
thị xã Long Khánh, cách TP HCM khoảng 4 tiếng đi xe máy. Nạn nhân làm
chủ một nhà hàng trong khu vực Long Khánh. Khi được yêu cầu cung cấp
thêm thông tin, Long khẳng định nạn nhân không phải là công chức nhà
nước, chỉ là "một người kinh doanh".
Khi đã cảm thấy tin cậy,
Long bắt đầu tiết lộ về "người dẫn đường" của mình ở Việt Nam, một nhân
vật đóng vai mắt xích quan trọng trong vụ án xuyên quốc gia. Long muốn
các sát thủ gặp gỡ cháu mình, hiện sống ở TP HCM, cho biết hoàn toàn tin
cậy người cháu này. "Thực ra, cháu tao đã tiến hành 2 vụ giết người cho
tao, không trực tiếp, nhưng hỗ trợ để vụ việc trót lọt", Long tiết lộ.
Long
cũng lý giải người cháu tuy được việc nhưng hắn vẫn muốn thuê "UC" vì
lý do an toàn. Người cháu của Long sẽ dẫn sát thủ của "UC" tới Long
Khánh để chỉ điểm chính xác nơi mục tiêu sinh sống.
Ngày
5/5/2012, Long liên lạc với đặc vụ "UC", cung cấp số điện thoại di động
của cháu mình. Long cho biết đây là số điện thoại di động trả trước,
cháu mình chỉ trả lời cuộc gọi trước vào sau 12 giờ đêm 10 phút. Long
nói các sát thủ nên gọi cho cháu mình từ ngày 8/5/2012. Trong cuộc gọi
đầu tiên, các sát thủ nên nói mật mã "Tôi lạc đường, xin chỉ đường
giúp".
Sau khi gặp gỡ, cháu của Long sẽ dẫn các sát thủ tới nơi
nạn nhân ở. Long giải thích mục tiêu đầu tiên có thể sát hại bất cứ lúc
nào, mục tiêu thứ hai chỉ ra tay khi Long yêu cầu. Long cũng khẳng định
thêm hắn muốn thi thể của mục tiêu thứ nhất phải phơi dưới ánh mặt trời ở
nơi công cộng. Người cháu của Long sẽ không bàn thảo phương thức giết
người với các sát thủ. Nhiệm vụ của hắn chỉ là người dẫn đường.
Từ ngã 3 Long Khánh, chiếc xe rẽ vào một con đường chính thuộc phường
Xuân An, nằm gần ga Long Khánh. Đỗ cách căn nhà của nạn nhân mấy mét, 3
người chăm chú quan sát. "Người đưa đường" có biệt danh là "Năm" chỉ vào
người đàn ông khoảng 45 tuổi, da ngăm đen, tóc cắt ngắn, cao khoảng
1m67, dáng người trung bình… nói đây là mục tiêu thứ nhất. Năm khẳng
định "phải bốc được lô hàng thứ nhất mới được bốc lô hàng thứ hai".
Chiếc xe lại tiếp tục lăn bánh ra Quốc lộ 1A, rẽ vào một con hẻm nhỏ ở
phường Xuân Bình. Chỉ vào một người phụ nữ khoảng trên 40 tuổi, dáng
người trung bình, da trắng, tóc dài hơi uốn gợn lên, "Người đưa đường"
tên Năm nói: "Mục tiêu này trong nhà có bao nhiêu người thì làm hết bấy
nhiêu, cứ một người là được tính tiền như một mục tiêu".
Theo yêu cầu của người dẫn đường, 2 sát thủ Phi "Đen" và Tùng "Sẹo" (do
2 trinh sát của Phòng 5 C45B vào vai) thả "Người đưa đường" ra quốc lộ
1A để bắt xe về nhà. Chiếc xe 7 chỗ sau khi "thả hàng" tiếp tục chạy
thẳng về hướng Bình Thuận, tránh tình trạng bị theo dõi ngược. Một mũi
trinh sát đã ém quân sẵn trên những chiếc xe máy, thay phiên theo dấu
"Người đưa đường".
"Người đưa đường" đứng chờ xe một lúc, rồi đột nhiên vẫy một chiếc xe
ôm. Đi chừng 5 km, chiếc xe ôm dừng lại, "Người đưa đường" chuyển lên xe
buýt đi tiếp. Từng mũi trinh sát vẫn thay phiên nhau kiên nhẫn bám
theo.
|
"Người đưa đường" Văn Xuân Khuê.
|
Xuống đến bến xe Vũng Tàu, "Người đưa đường" không về nhà ngay mà la cà
ăn uống, mua sắm… Cho đến tận 11 giờ đêm, hắn mới bắt xe ôm về nhà.
Đến đầu một con hẻm lộ thiên trên đường Trần Phú, phường 5, thành phố
Vũng Tàu, "Người đưa đường" xuống xe đi bộ vào. Đêm khuya thanh vắng,
tiếng chó sủa gắt gao đã ngăn các mũi trinh sát tiếp tục bám sát. Sau
khi hội ý nhanh, đội trưởng quyết định "cắm chốt" trước con hẻm, chờ đến
sáng hôm sau tiếp tục xác minh.
Suốt nhiều ngày, Ban chuyên án chia quân liên tục giám sát gắt gao theo
dõi mọi biến động của "Người đưa đường". Tất cả các thông tin về đối
tượng tình nghi có vóc dáng, cách ăn mặc, giọng nói… được sàng lọc, chốt
lại cuối cùng ở một nhân vật khả nghi: Văn Xuân Khuê.
Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát xác minh Khuê sinh năm
1971, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Quy Nhơn, Bình Định, nhưng hiện
đang tạm trú tại con hẻm trên đường Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng
Tàu.
Qua xác minh, Văn Xuân Khuê có cậu ruột (là em của mẹ Khuê) là Nguyễn
Văn Long, vượt biên sang Mỹ năm 1983. Tất cả mọi chi tiết đã trùng khớp.
Các mũi trinh sát được lệnh giám sát chặt chẽ, chờ sự phối hợp nghiệp
vụ của các đồng nghiệp Cục Điều tra Liên bang Mỹ và Cơ quan Điều tra An
ninh Nội địa.
Ngày 7/7/2012, Khuê bị bặt giữ. "Người đưa đường" có bí danh là Năm này đã nhận tội.
Long vượt biên sang Mỹ từ năm 1983. Trong giới giang hồ tại Mỹ,
nhiều người biết đến Long bởi sự hung tợn của một "trùm" tội phạm hoạt
động trong lĩnh vực buôn bán ma túy và rửa tiền. Bản thân Long vừa mãn
hạn án 10 năm tù về tội này vào năm 2010 và vẫn đang phải chịu sự giám
sát của nhà cầm quyền.
Trong những lần ít ỏi về Việt Nam và quá trình chung sống, Long
được cho là đã phát sinh nhiều mâu thuẫn về tiền bạc, tài sản cũng như
quan hệ với gia đình bên vợ. Không chỉ muốn “khử” duy nhất người đã
chiếm đoạt tiền của mình, Long ra điều kiện phải giết tất cả thành viên
trong gia đình anh Tuân và chị Thảo (anh trai và chị gái của vợ). Tổng
cộng lên đến 9 người với giá mỗi “mạng” là 5.000-6.000 USD.
Ngày 12/9, Tòa án Liên bang Mỹ tại Seattle đã ra phán quyết buộc
tội Nguyễn Văn Long với hai tội danh Âm mưu giết người tại nước ngoài và
Xúi giục người khác phạm tội có tính chất tàn bạo. Gã Việt kiều này có
thể đối mặt với bản án 14 năm tù giam dự tính sẽ được tòa án Mỹ tuyên
vào đầu tháng 1/2014. |
|